Mùa hè này, khi hào hứng với các mẫu bikini gợi cảm, chắc chắn bạn có băn khoăn tới chuyện làm sao để xử lý triệt lông vùng bikini, giúp bạn mặc đồ bơi gọn gàng và tự tin hơn. Phương án phổ biến nhất mà mọi người nghĩ đến vẫn là waxing, vì không ai muốn dùng đến dao cạo cho khu vực dễ tổn thương này. Ngoài ra, waxing cũng có tác dụng lâu hơn, bạn có thể chỉ cần thực hiện duy nhất một lần cho cả mùa hè.
(Ảnh: tinypic)
Nhưng gần đây, cũng có nhiều chị em rủ nhau đi thực hiện dịch vụ triệt lông bằng laser cho vùng bikini. Cũng tương tự như việc triệt lông cho vùng mép hay ở tay chân, triệt lông bằng laser cho vùng bikini cũng có tác dụng rất lâu, gần như được coi là vĩnh viễn. Về cơ bản, triệt lông laser là dùng các loại ánh sáng có bước sóng nhất định giúp tác động nhiệt vào gốc chân lông hoặc tác động vào nang lông. Ánh sáng laser sẽ nhắm vào màu lông nhất định và làm nóng nang lông tới nhiệt độ đủ để triệt tiêu tế bào, giúp lông rụng đi và không mọc lên nữa.
Cả hai biện pháp triệt lông này đều có ưu và nhược điểm của nó, và bạn nên cân nhắc kỹ hơn để lựa chọn được một cách phù hợp để có thể sẵn sàng diện những chiếc quần bơi mảnh mai nhất.
1. Laser
Triệt lông vùng bikini bằng laser không chỉ được thực hiện trong 1 buổi duy nhất, mà có thể kéo dài từ 3-8 buổi trị liệu kéo dài trong khoảng 6 tuần. Đây là phương pháp bắt buộc phải nhờ đến các chuyên gia và kỹ thuật viên chuyên nghiệp ở các thẩm mỹ viện uy tín. Bạn không nên kỳ vọng rằng toàn bộ vùng “tam giác vàng” của mình sẽ được sạch sẽ ngay sau buổi trị liệu laser đầu tiên, mà ánh sáng laser chỉ có thể triệt đi khoảng 20-30% số lông vĩnh viễn sau mỗi buổi trị liệu.
(Ảnh: staticflickr)
Ngoài ra, việc triệt lông bằng laser sẽ hiệu quả nhanh hơn với những người có màu da sáng và màu lông tối. Vì vậy, nếu bạn có làn da ngăm hoặc vùng bikini bị thâm đen thì có thể sẽ cần thực hiện phương pháp laser này trong thời gian dài hơn. Lý do là vì màu lông – da tương đồng sẽ khiến ánh sáng laser khó tập trung tác động được vào nang lông, do thiếu độ tương phản. Nếu màu da và màu lông quá tương đồng, rất có thể ánh sáng laser sẽ tác động nhầm vào tế bào da, gây ra phản ứng bị bỏng hoặc dị ứng trên da.
(Ảnh: grouponcdn)
Nếu bạn quyết định chọn phương án triệt lông vùng bikini, hãy nhớ để cho vùng lông mọc đủ dài, không nên cạo hay waxing trước khi đi trị liệu laser. Nếu bạn muốn “tỉa tót” trước cho gọn, bạn chỉ nên dùng kéo tỉa ngắn bớt phần ngọn, không được tác động quá sát vùng gốc chân lông.
Vào ngày đến thẩm mỹ viện để trị liệu laser, nếu bạn có da nhạy cảm, hãy yêu cầu dùng kem thoa gây tê khoảng 15-30 phút trước khi chiếu laser.
2. Waxing
Waxing là biện pháp ít phức tạp hơn, tiết kiệm chi phí và có thể tự thực hiện tại nhà, tuy nhiên đây cũng là phương pháp dễ gây ra tác dụng phụ là hiện tượng lông mọc ngược. Ngoài ra, waxing vùng bikini có thể sẽ đau đớn hơn so với waxing các vùng lông khác trên cơ thể. Một số chị em còn thử uống vài hớp rượu trước khi waxing để lấy thêm dũng khí và giảm bớt cơn đau, nhưng sự thực là đồ uống có cồn sẽ khiến lỗ chân lông khít lại, khiến việc waxing càng thêm khó khăn và đau đớn. Thay vào đó, để việc waxing vùng bikini bớt đau, bạn hãy uống thật nhiều nước và thoa kem dưỡng ẩm cho da để khiến da mềm hơn, waxing dễ hơn.
(Ảnh: healthydunia)
Để waxing vùng bikini hiệu quả nhất, hãy tỉa cho vùng lông còn ngắn khoảng 0,3-0,5cm, giúp sáp waxing có đủ độ bám với sợi lông và kéo lên dễ dàng hơn. Sau khi waxing, hãy thường xuyên tẩy tế bào chết cho cả vùng bikini để hạn chế tình trạng lông mọc ngược. Nếu bạn chọn mặc những chiếc quần bơi quá mỏng, bạn nên mua thêm một lọ kem chống nắng dành cho da nhạy cảm để thoa vào vùng da dưới bụng, giảm da bớt bị kích ứng, sưng đỏ dưới nắng hè.
(Ảnh: croydonwaxing)
Một số lưu ý trước khi waxing cho vùng bikini là không nên tẩy tế bào chết trước khi waxing, hoặc dùng các loại kem chứa AHA (acid trái cây) hay Retin-A, vì các sản phẩm này khiến da mỏng, yếu, nhạy cảm, khiến da càng dễ bị kích ứng khi waxing. Đặc biệt là bạn không cần thiết phải kiêng waxing vào ngày có nguyệt san, trừ khi sức khỏe của bạn không được tốt, cơ thể mệt mỏi hay cảm xúc không ổn định.
Eve Nguyễn(Tổng hợp)